Mỗi người trồng lại có những bí kíp chăm sóc cây lưỡi hổ khác nhau, tuy nhiên để trồng được một cây cảnh khỏe đẹp thì phải tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc chung theo đặc tính của loài cây này nhé. Cùng tham khảo cách chăm sóc cây lưỡi hổ dưới đây nào!
Đặc điểm nguồn gốc cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ, tên khoa học là Sansevieria trifasciata, hay còn được gọi là cây lưỡi cọp, là một loài thực vật có hoa, có nguồn gốc từ Châu Phi, Madagascar và Nam Á. Các cây trưởng thành thường cao, dựng đứng, cứng cáp, lá hình lance. Các phiến lá đơn giản, dài, thường cao từ 30- 160 cm và rộng từ 2,5 đến 8 cm. Lá màu xanh, viền vàng, nhiều sọc ngang, bề mặt trơn nhẵn và không có gân lá.
Lưỡi hổ là loài cây ngoài ý nghĩa phong thủy thì còn rất hữu ích trong việc lọc sạch không khí và trang trí cho không gian sống, bởi vậy luôn được ưa chuộng để trồng trong nhà, với mong muốn mang lại những điều tốt lành cho gia chủ, đồng thời loại bỏ các chất độc hại, đem lại bầu không khí trong lành thanh mát.
Nhìn chung như những loài cây indoor khác, cây lưỡi hổ rất dễ trồng và chăm sóc. Nếu bạn muốn sở hữu một cây lưỡi hổ khỏe mạnh xanh tốt thì đừng bỏ qua cách chăm sóc cây lưỡi hổ trồng trong nhà dưới đây.
Cách chăm sóc cây lưỡi hổ trong nhà
Vì lưỡi hổ có kiểu dáng độc đáo, đẹp mắt, màu sắc hoa đa dạng và nổi bật nên loài cây này thường được dùng làm cây cảnh, trang trí cho ngôi nhà hoặc một căn phòng nào đó trong nhà. Vậy người trồng phải chú ý những điều gì trong quá trình chăm sóc loài cây phong thủy, trang trí và làm sạch không khí tuyệt vời này. Mặt khác nếu chăm sóc đúng cách, cây lưỡi hổ ra hoa sẽ mang đến những điều hay ho mà bạn không ngờ đến.
1, Đất trồng
Loại đất trồng thích hợp nhất cho cây lưỡi hổ là đất có tính kiềm, khô cằn, tốt nhất là đất nên được trộn với xơ dừa, mùn cưa, và phân hữu cơ. Sử dụng đất trộn như thế này sẽ vừa đảm bảo giữ được độ ẩm cần thiết cho cây, lại có khả năng thoát nước tốt tránh cho cây bị ngập úng.
Bạn cũng có thể sử dụng loại đất mùn màu mỡ và tới xốp, trộn thêm với xỉ than theo tỉ lệ 1:1 để trồng cây lưỡi hổ. Làm sạch đất, khử sạch mầm bệnh trước khi đem trồng cây để lưỡi hổ được phát triển trong một môi trường đất an toàn.
2, Ánh sáng và nhiệt độ
Mặc dù đây là loài cây chịu hạn nhưng cũng không nên để cây dưới thời tiết nắng nóng liên tục nhiều ngày. Khi trồng cây trong nhà, bạn nên đặt chậu lưỡi hổ ở những vị trí thoáng mát, có ánh nắng mặt trời nhưng không phải là ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu hôm nào trời nắng gay gắt thì càng phải di chuyển cây vào vị trí râm mát.
Nhiệt độ phù hợp với sự phát triển của cây là từ 22-30 độ. Vì thế, vào mùa đông, khi dưới 10 độ, cây có thể sẽ chết dần. Lúc này bạn có thể giữ cây trong phòng ấm để tránh gió lạnh, có thể có điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên sẽ phải bổ sung độ ẩm cho cây bằng cách tưới phun sương thường xuyên.
3, Tưới nước
Chỉ tưới cho cây khi đất đã khô nứt, mùa hè thì khoảng 1 lần/ tuần và mùa đông khoảng 2 lần/ tháng kết hợp với tưới phun sương để duy trì độ ẩm cần thiết. Cây không có nhu cầu về nước nhiều, nhưng cũng đừng bỏ bê quá mà không tưới nhé.
Mỗi lần chỉ tưới cho cây một lượng nước vừa đủ tùy theo kích thước của cây. Đặt cây ở nơi thoáng mát sau khi tưới. Nếu tưới nước quá nhiều sẽ là cách nhanh nhất để giết chết cây lưỡi hổ.
4, Bón phân
Loài cây lưỡi hổ này cũng khá giống xương rồng ở điểm không cần dành nhiều thời gian và công sức để chăm sóc, nên bạn cũng hoàn toàn không cần bón phân nhiều đâu. Vào mỗi mùa xuân và hè, chỉ nên bón phân 2 tháng một lần bằng những loại phân bón hữu cơ, phân chuồng hoặc phân bón giàu Potasse.
Cải tạo và bổ sung chất dinh dưỡng vào đất thường xuyên trong suốt mùa xuân bằng cách thay đất mới cho cây, đất được cải tạo phải đảm bảo giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và không chứa mầm bệnh.
5, Các vấn đề về sâu bệnh
- Bệnh đốm nâu xuất hiện trên bề mặt lá, kèm theo dấu hiệu thối ở gốc cây: Do tưới nhiều nước.
- Lá cây lưỡi hổ bị mềm nhũn và thâm đen: Nhiệt độ ở mức quá thấp
- Ngọn lá bị khô héo kèm theo những mảng màu nâu: Ánh nắng mặt trời trực tiếp quá nhiều.
- Lá bị nhạt màu, không có màu xanh tự nhiên: Thiếu ánh sáng.
- Lá con mềm nhũn: Dư thừa phân bón, cần ngưng bón phân trong một khoảng thời gian nhất định. Đốm nâu trên lá, thối ở gốc: dư nước.
Nhìn chung cây lưỡi hổ chỉ gặp một số triệu chứng này do cách chăm sóc chưa hợp lý chứ gần như không bị loài sâu bệnh nào tấn công. Bởi vậy mà cách chăm sóc cây lưỡi hổ là vô cùng quan trọng để cây phát triển khỏe mạnh.
Những lưu ý khi chăm sóc cây lưỡi hổ
- Nên sử dụng chậu trồng cây lưỡi hổ bằng đất nung, loại chậu này sẽ không giữ nước bên trong và loại bỏ kịp thời nước đọng trong chậu.
- Bạn cũng có thể nhân giống cây lưỡi hổ thông qua việc cắt lá. Chỉ cần cắt các mảnh từ 2 đến 3 inch của một chiếc lá và đặt chúng sâu khoảng 1 inch trong đất trồng. Hãy chắc chắn để trồng các cành giâm hướng lên trên, cùng hướng mà chúng đang phát triển.
- Loại cây này gây độc cho mèo và chó. Nếu không may nhai hoặc ăn phải có thể dẫn đến nôn mửa và tiêu chảy, vì vậy mà bạn cần đặt chúng xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú nuôi trong nhà.
- Khi thay đất cho cây, không nhất thiết phải chuyển chúng sang chậu lớn hơn, trừ khi kích thước của cây tăng thêm nhiều và chậu trồng hiện tại không còn thích hợp nữa.
Cây lưỡi hổ thực sự đem lại rất nhiều niềm vui và lợi ích cho người sở hữu nó. Để có một chậu cây cảnh phong thủy thật đẹp và hữu ích, các bạn cần lưu ý cách chăm sóc cây lưỡi hổ được gợi ý bên trên và đừng quên chia sẻ nếu thấy bài viết này hữu ích nhé! Chúc các bạn thành công!
Góc Xanh Mướt là nơi chia sẻ các kiến thức đến cây cảnh nhà vườn. Hãy theo dõi chúng mình để biết thêm những thứ hay ho về cây cảnh trong thời gian sắp tới nhé!