Một vài lời khuyên và thông tin hữu ích để trồng hẹ trong vườn của bạn. Dành chút thời gian tìm hiểu những bí kíp trồng loại thảo mộc, cũng là một loại cây gia vị này nhé!

Hẹ là một thành viên của gia đình hành tây, rất giàu chất dinh dưỡng và được xếp hạng thứ 14 trong số 47 loại rau quả tốt nhất cho sức khỏe. Hẹ có nguồn gốc từ châu Á và châu Âu, được trồng nhiều từ thời Trung cổ và sử dụng rộng rãi đầu tiên ở Trung Quốc. Cây mọc cao từ 10 đến 12 inch và có lá tròn, rỗng. Vào đầu mùa hè, cây trưởng thành sẽ nở hoa với những quả địa cầu màu hoa oải hương, cũng có thể ăn được. Kĩ thuật trồng hẹ khá đơn giản, trồng tại nhà lại càng dễ dàng với những chiếc chậu hoặc thùng xốp.

1. Tại sao nên trồng cây hẹ tại nhà?

Hẹ được xem như là một “phiên bản” nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn của hành lá. Hẹ không chỉ thêm hương vị cho nhiều món ăn mà còn trang trí thêm những màu sắc đáng yêu cho khu vườn của bạn bởi màu hoa hồng tím. Bên cạnh công dụng làm gia vị cho các món ăn, hẹ còn là một loại thần dược.

Theo Đông y, hẹ có vị hơi cay, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ bổ dương, bổ thận, bổ khí huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Đặc biệt, hẹ có thể cải thiện các triệu chứng ho ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Theo Tây y, hẹ còn có tác dụng làm tăng tính nhạy cảm với insulin, có khả năng giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tụy rất hiệu quả. Chất odorin trong loại thảo mộc này là một kháng sinh mạnh, dễ dàng chống tụ cầu và các loại vi khuẩn khác.

Thật khó tin khi một loại cây nhỏ bé, đơn giản ấy lại có những tác dụng kì diệu đến vậy. Đó là lí do vì sao chúng ta nên tự trồng hẹ tại nhà, vì có thể sử dụng chúng một cách tiện lợi hơn thay vì mỗi khi cần, ta lại phải tìm mua ở các cửa hàng rau củ hay siêu thị.

Bạn có thể tự trồng hẹ ở một không gian nào đó tại nhà bạn, một thùng xốp, một chậu trồng cây cảnh, thậm chí có thể tận dụng khoảng đất trống trong các chậu cây cảnh lớn nhà bạn.

Hẹ khá dễ trồng, và đặc biệt, nó có khả năng tự kháng lại côn trùng như một đặc tính tự nhiên nhất. Chúng chiếm rất ít không gian, và toàn bộ cây có thể được ăn từ trên xuống dưới. Những bông hoa hẹ màu hồng xinh xắn cũng có thể ăn được. Rắc thêm chúng vào món salad, súp hoặc sử dụng chúng làm đồ trang trí.

Hẹ phát triển tốt ở hầu như tất cả các loại đất, và không cần phải bón phân bổ sung dinh dưỡng cho đất hay tưới nước quá nhiều vì chúng không “tham ăn” như nhiều loài khác.

2. Cách trồng hẹ tại nhà

Kĩ thuật trồng cây hẹ không quá phức tạp. Cũng như trồng các loại cây khác, bạn cần chuẩn bị thùng xốp hoặc chậu trồng đã được đục sẵn các lỗ thoát nước, đất trồng tơi xốp, màu mỡ, thoáng khí và khả năng thoát nước tốt.
Bạn nên chọn những loại chậu tốt và bền, vì đây là loại cây lâu năm, có thể sống được trong thời gian rất dài. Bạn có thể trồng bằng hạt giống hoặc thân cây hẹ, tuy nhiên đa số là trồng bằng thân cây.

Trước khi trồng, phủ lên mặt đất một lớp rơm mỏng để giúp cây cứng cáp, khó đổ khi gặp gió. Sau khi trồng, tưới phun sương để giữ ẩm thường xuyên. Không cần tưới nước nhiều, bạn chỉ cần đảm bảo đất không bị khô cằn là được.

Nếu trồng bằng hạt, trước khi gieo nên ngâm hạt trong nước ấm khoảng 2 tiếng, gieo hạt vào đất tơi xốp, nên là loại đất pha cát. Sau khi gieo, chú ý giữ ẩm cho đất từ 6-7 ngày là hạt sẽ này mầm.

Bạn nên sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân cá ủ hoai để bón cho cây. Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân trùn quế hoặc phân hữu cơ vi sinh.

Ngoài ra để đạt hiệu quả cao, ta có thể bón thêm phân đạm, lân và kali. Nếu không muốn sử dụng phân hoá học, ta có thể sử dụng nước tiểu (NH3) ngâm ủ kĩ khoảng 1 tuần trở lên, pha loãng với nước sạch để bổ sung chất đạm cho cây phát triển tốt.

3. Kĩ thuật chăm sóc cây hẹ

Cây trồng phát triển tốt nhất trong đất có độ thoát nước tốt, cho dù là trồng trong khu vườn của bạn hay trong một thùng chứa. Vì vậy, cần chú ý tưới tiêu cho hợp lí, chỉ nên tưới 1-2 lần trong này bằng cách tưới phun sương để giữ ẩm là đủ. Hẹ có khả năng chịu được hạn hán, tuy vậy bạn cũng không nên để đất khô cằn mà cần giữ ẩm cho đất, vì độ ẩm của đất ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển độ dài của lá hẹ.

Hẹ không thường bị ảnh hưởng bởi những côn trùng và chúng thường được sử dụng để xua đuổi, được trồng xung quanh những bông hoa kiểng để ngăn chặn sự xâm nhiễm của các loài bọ. Tuy nhiên, hẹ lại dễ gặp một số loại nấm bệnh, đặc biệt là nấm Botrytis và nấm mốc. Hỗn hợp baking soda giúp ngăn ngừa tình trạng này. Pha một muỗng canh baking soda với khoảng 1 lít nước rồi dùng bình xịt phun sương tưới cho cây.

Trong quá trình chăm sóc nên thường xuyên nhổ tỉa bớt những cây mọc quá dày, trồng dặm vào chỗ thưa. Thường xuyên vun xới đất, vun nhẹ gốc và nhổ cỏ dại cho cây.

4. Kĩ thuật thu hoạch và bảo quản

Sử dụng kéo để cắt hẹ của bạn khoảng 3cm so với mặt đất. Cây hẹ có khả năng tái sinh cao nên có thể cắt lá để dùng, phần còn lại sẽ tiếp tục phát triển thành lứa mới, nên bạn sẽ không phải trồng lại từ đầu. Chú ý sau khi thu hoạch nên tưới phân thúc cây hẹ phát triển lá và củ. Sau khoảng 50- 60 ngày kể từ khi trồng là bạn có thể thu hoạch được lứa đầu tiên.

Để bảo quản rau hẹ, các bạn chỉ cần bọc trong túi ni lông kín rồi cho vào tủ lạnh, có thể bảo quản được trong khoảng một tuần. Ngoài ra cũng có thể đông lạnh rau hẹ bằng đá cục hoặc sấy khô. Một cách khác để bảo quản quản lá hẹ cho sử dụng lâu hơn đó là chế biến thành giấm hẹ, cách chế biến cũng tương tự như giấm tỏi, giấm ớt.

Những lưu ý về khĩ thuật trồng cây hẹ

  • Theo dõi chiều cao của cây để điều chỉnh cách chăm sóc hợp lí. Cây hẹ thường có chiều cao khoảng từ 20 đến 50 cm. Nên nếu đã trồng được khoảng 30- 40 ngày, cây vẫn chưa đạt được chiều cao như thế, nghĩa là hẹ phát triển chậm và bạn nên xem lại cách chăm sóc của mình
  • Bạn chỉ nên trồng mỗi cây hẹ thành 2 lứa để đạt kết quả tốt nhất. Sau khi thu hoạch lứa đầu, chăm sóc để phần thân và rễ cây còn lại phát triển tiếp sang lứa thứ 2 rồi thu hoặc. Sau đó bạn nên chuẩn bị lại từ đầu đất trồng mới, cây, hạt giống mới và trồng thành đợt khác.
  • Nếu bạn muốn dùng những bông hoa hẹ để làm rau trộn hoặc trang trí món ăn, bạn nên ngắt khi chúng đang nở.
  • Khi thu hoạch bằng kéo, không sử dụng kéo quá cùn vì nhát cắt không dứt khoát sẽ làm tổn hại đến phần thân còn lại của cây.

Nếu bạn không trồng thảo mộc trong chính khu vườn của mình, bạn đang bỏ lỡ hương vị mạnh mẽ, đa dạng trong bữa ăn của gia đình và lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Các loại thảo mộc thơm như cây hẹ là một vị cứu tinh cho sức khỏe của bạn và gia đình bạn hàng ngày, khi cơ thể chúng ta luôn phải đối mặt với những loại bệnh dịch đáng sợ. Bắt tay vào việc bổ sung thêm một loại cây có ích vào khu vườn nhỏ của bạn với những kĩ thuật trồng cây hẹ bên trên nào!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *