Những bông hoa hồng tỉ muội nhỏ xinh nhưng khoe sắc không hề thua kém bất kỳ loài hoa nào khác, vừa làm đẹp cho cảnh quan, vừa mang nhiều ý nghĩa mà cách trồng lại hết sức đơn giản.
Hoa hồng tỉ muội, còn được gọi là hồng nhài hoặc hồng tiểu muội, là một loài hoa tượng trưng cho tình yêu, tình cảm thủy chung và sự khát khao, đam mê cái đẹp. Với màu sắc đa dạng và sặc sỡ, lá xanh, cành dài, hương thơm dịu nhẹ và ra hoa quanh năm, loài hoa này được ưa chuộng để cắm bình, trang trí tiệc, trồng xung quanh nhà tô điểm cho cảnh quan. Đặc biệt, loài hoa này rất dễ trồng và chăm sóc.
Như cái tên của nó, dĩ nhiên hoa này thuộc họ hồng, mọc thành các bụi, bông không to nhưng rất bền và thơm, màu sắc bắt mắt và dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên. Đây là giống cây lâu năm, nếu chăm sóc tốt có thể cho hoa đẹp thường xuyên. Hiện nay có đến hơn 350 giống hồng tỉ muội ở khắp nơi trên thế giới.
Mục lục
ToggleÝ nghĩa của hoa hồng tỉ muội
Chỉ cần chúng ta nghe qua cái tên của loài hồng này là đã có thể đoán được phần nào ý nghĩa của nó. Hồng tỉ muội trước hết mang ý nghĩa tôn vinh những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp và chân thành. Đó là tình cảm bạn bè thân thiết như chị em ruột thịt, tình cảm anh em gắn bó keo sơn. Nếu có ai đó tặng cho bạn một đóa hồng tỉ muội, thì ý họ muốn nói là họ luôn coi bạn như một người thân thiết, quan tâm như người thân ruột thịt. Đổi lại, đừng ngại ngần tặng lại người đó một bó hồng này nhé!
Ngoài ra, hoa hồng tỉ muội còn biểu hiện cho sự nhẹ nhàng, dịu dàng và mong manh như thiếu nữ. Bởi thế mà các chàng trai cũng thường chọn loài hoa này tặng cho các nàng, như một thông điệp bày tỏ mong muốn được che chở, yêu thương và bảo vệ cô ấy.
Với màu sắc sặc sỡ và đa dạng, hồng tỉ muội còn tượng trưng cho sự tươi mới, hân hoan và may mắn. Nhiều dịp lễ tết, các gia đình cũng hay mua chậu hồng này để trang trí cho ngôi nhà thêm ấm cúng, có thể đặt ở một góc phòng khách, trước sân, 2 bên sảnh, bàn làm việc,… đều rất gọn gàng và đẹp mắt.
Cách trồng hoa hồng tỉ muội
Hồng tỉ muội trồng rất đơn giản, bạn có thể trồng ngay được bằng cành giâm. Tuy nhiên việc lựa chọn cành cũng phải thật khéo léo và tỉ mỉ nhé, không được quá non cũng không quá già, dùng dao sắc cắt thành các đoạn dài khoảng 9-10cm rồi ngâm cành vào chậu nước sạch. Rồi bạn sử dụng dao cắt vát gốc thêm lần nữa, sau đó cắm đầu nhọn vào nơi bạn muốn trồng cây. Lựa chọn cát sạch để giâm cành và chịu khó tưới nhiều lần trong ngày nhé. Chờ khoảng 10 ngày thôi là cành đâm rễ và có thể lấy ra để trồng vào chậu cảnh như bình thường rồi.
Để loài hoa này sinh trưởng và phát triển tốt nhất, nên chọn những nơi cao ráo thoáng mát để đặt chậu cây. Đất trồng phải là loại đất thịt, thoát nước tốt và tơi xốp. Trước khi đem trồng, đất cần được xử lý để tránh các loại sâu bệnh gây hại.
Khi trồng hoa, bạn hãy nhớ ấn giữ cây và lấp đất xung quanh gốc nhẹ nhàng, nhưng vẫn phải đảm bảo độ chắc chắn cho cây đứng vững. Sau đó tưới nước cho cây. Tưới cây hàng ngày với một lượng nước vừa phải. Nên trồng vào mùa xuân vì thời tiết ẩm ướt thích hợp để cây đâm nhiều chồi và nụ, phát triển nhanh hơn.
Sau khi trồng, đặt chậu ở nơi có anh sáng vừa phải, tránh những nơi có ánh nắng gay gắt. Bạn có thể trồng trong chậu, hoặc trồng vào một khoảng đất nhỏ trước nhà, trong vườn, thậm chí là ban công, sân thượng. Nếu trồng trong chậu thì nên lựa chọn loại chậu đất nung, có độ thoát nước tốt và có các lỗ thoát nước dưới đáy.
Cách chăm sóc hồng tỉ muội
Điều kiện ánh sáng là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và sinh trưởng của hoa hồng tỉ muội. Bởi vậy mà bạn cần phải chú ý vào yếu tố này để chăm sóc cây đúng cách. Nguồn ánh sáng không chỉ tác động đến cây trồng mà còn khiến nhiều yếu tố khác như độ ẩm, độ thoát hơi nước trong không khí. Nếu bạn trồng loài hoa này, nên chọn nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối. Lúc này nắng nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ để cây ra hoa và cho hoa màu sắc rực rỡ. Nếu nhà bạn ở thành phố, nên trồng cây ngoài ban công hoặc sân thượng đón nắng.
Tùy theo từng giống hoa hồng mà nhiệt độ trồng thích hợp là trong khoảng từ 23 đến 25 độ C, ban đêm ở mức khoảng 16 độ C. Đây được coi là nhiệt độ thích hợp, còn tùy vào cách chăm sóc và điều chỉnh các yếu tố ngoại cảnh khác mà cây có thể thích nghi với điều kiện môi trường sống hay không.
Bón phân
Sau khi cây hồng tỉ muội được trồng từ 3- 6 ngày thì bạn cần phun một số loại phân bón lá như HPV 30.10.10, Atonik. B1, rong biển,… Điều này giúp cho cây mới trồng phát triển khỏe mạnh, bộ rễ chắc khỏe và bám đất tốt, sau này hoa ra sẽ được bền lâu hơn, không chóng tàn.
Từ khoảng 10-15 ngày sau cây sẽ ra rễ, lá non bắt đầu ra, bạn cần bổ sung các loại phân hạt như phân dơi, phân DAP hoặc NPK,… Bổ sung phân bón xung quanh đất trồng các gốc cây rồi lấp đất lại, tuy nhiên tránh không được để phân tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ của cây để tránh bị xót rễ, cháy rễ. Sau đó tưới nhiều nước xung quanh phần đất đã lập phân bón để cây hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
Cắt tỉa
Cũng cần thường xuyên tỉa bớt các lá hư, lá già úa, lá bị hiện tượng sâu bệnh để bảo vệ cây khỏi nấm bệnh. Nếu hoa ra sớm và nhiều thì nên cắt bỏ bớt, chỉ để lại những nụ để cho cây hoa hồng đâm chồi, ra nhánh mới và ra nụ tốt hơn. Nếu nhánh cây có màu sắc đỏ tím, sẫm màu và mập mạp thì chứng tỏ cây đã được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ. Ngược lại, nếu nhánh cây ốm yếu, vàng vọt thì nên điều chỉnh lại cách chăm sóc và bón phân cho tốt.
Sâu bệnh hại
Cần tưới đầy đủ nước cho cây để lá cây quang hợp, nếu để cây thiếu nước, lá cây khô sẽ dễ dẫn đến loài nhện đỏ hút nhựa, làm cho cây bị yếu ớt dần rồi chết. Lá cây sẽ có màu vàng, quăn queo và rụng dần. Có thể bón thêm vitamin cho cây để phòng tránh tình trạng này.
Nếu thấy cây xuất hiện nhiều chấm trắng dưới mặt lá hoặc các ngọn non, búp non thì nghĩa là cây đang gặp phải loài rệp sáp. Bạn chỉ cần ngắt bỏ những lá bị như vậy là được, hoặc dùng chút chế phẩm sinh học lau sạch các lá. Nếu bạn trồng nhiều, diện tích trồng lớn thì cần tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia bảo vệ thực vật.
Bệnh phấn trắng
Bệnh này gây hại cho lá non, lá bánh tẻ và các nụ mới, phát triển nhanh và lan rộng sang các lá, các cây lành, vì thế ngay từ khi phát hiện thì người trồng phải có biện pháp xử lý ngay lập tức để bảo vệ cây. Bạn có thể sử dụng thuốc Score 250 ND để phun cho cây, với liều lượng 10ml hòa với một bình nước 8 lít.
Bệnh đốm đen
Dấu hiệu của bệnh đốm đen ở hoa hồng tỉ muội là các vệt tròn, ở giữa có màu xám, xung quanh là màu đen. Bệnh này xuất hiện trên các lá bánh tẻ, ở hai mặt lá, gây rụng lá, vàng lá hàng loạt. Bạn nên sử dụng Daconil 500 SC với liều lượng 25ml cho 1 bình nước 8 lít hoặc Anvil 5SC, liều lượng 15ml/ bình 8 lít và phun cho cây.
Bệnh gỉ sắt
Nếu cây mắc bệnh này sẽ xuất hiện những chấm màu vàng cam hoặc nâu đỏ như gỉ sắt ở mặt dưới của các lá, gây hại đến toàn bộ cây hồng tỉ muội như rễ đứt quãng, lá khô cháy, hoa nhỏ, thân cây còi cọc,… Bạn cần sử dụng các loại thuốc và liều lượng như sau:
- Vimonyl 72 BTN: Pha 50 gram với 1 bình nước 8 lít
- Daconil 500 SC: Pha 25ml với 1 bình nước 8 lít
- Kocide: 12- 15gram/ 8 lít nước
Hỏi đáp thắc mắc
Hoa hồng tỉ muội có màu gì?
Hồng tỉ muội rất đa dạng và phong phú về màu sắc, từ hồng, đỏ, hồng cam, hồng phấn, tím bằng lăng,… đều là những màu sắc rực rỡ và bắt mắt, mang lại một không gian tươi sáng, ấm cúng nếu dùng để trang trí. Mỗi một màu hoa có những ý nghĩa riêng, đều tốt đẹp và đem lại niềm vui cho người trồng cây.
Hoa hồng tỉ muội bán ở đâu?
Loài hoa này được bán ở nhiều cửa hàng cây cảnh, các shop hoa, thoải mái cho bạn tham khảo và lựa chọn. Tuy nhiên, cần chọn mua ở những địa điểm uy tín, nếu mua về trồng thì cần lựa chọn giống cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, còn nếu mua chậu hoa đã được trồng sẵn thì lựa chọn chậu nào nhiều nụ, nhiều chồi non, thân mập mạp, khỏe mạnh.
Không thua kém gì các giống hồng khác, tuy bông nhỏ nhưng rất bền và thơm, màu sắc lại tươi sáng, giúp cho hồng tỉ muội trở thành người bạn của những người yêu hoa, đồng thời là một món quà ý nghĩa để gắn kết thêm những mối quan hệ tốt đẹp, đáng trân trọng.