Cây vạn lộc hay còn gọi là thiên phú, là một cây thuộc họ Ráy có hoa. Cây có nguồn gốc từ Thái Lan và Indonexia, được đưa về và trồng phổ biến tại Việt Nam từ năm 2002. Cây cao tầm 15-30 cm, dáng đứng thẳng, bộ lá dày sáng bóng với nhiều sắc tố như: đỏ, hồng, xanh ngọc… Hoa của cây có màu trắng, thon dài, được bao bọc nhẹ nhàng bằng mo hoa màu xanh rất nổi bật. Cây phát triển nhanh dễ trồng và chăm sóc, không chỉ thế lá cây còn như một màng lọc, giúp lọc sạch không khí, do vậy cây vạn lộc được khách hàng rất ưa chuộng tìm mua hiện nay.
Phân Loại Cây Vạn Lộc
Dựa vào màu sắc của lá cây, người ta phân cây vạn lộc thành 2 loại khác nhau bao gồm: cây vạn lộc đỏ và cây vạn lộc xanh
Cây Vạn Lộc Đỏ
Nổi bật ở loại cây này là sắc đỏ, hồng có khi lốm đốm, có khi trải rộng trên phiến lá, với viền màu xanh lá cây. Lá cây hình bầu dục thuôn dài về phía đuôi lá. Gân chính của lá to nổi rõ, gắn liền với thân lá. Vạn lộc đỏ có thân cao từ 20-30 cm, tròn mọng nước, có màu hồng nhạt.
Cây Vạn Lộc Xanh
Vạn lộc xanh có lá không chứa nhiều sắc tố như vạn lộc đỏ. Lá cây chủ yếu màu xanh mát, điểm một số vệt trắng trên phiến lá. Thân cây có màu xanh với bộ rễ trắng muốt. Cuống lá ôm sát thân, lá tạo tán hình tròn, trông rất bắt mắt.
Lợi Ích Của Cây Vạn Lộc
Dùng làm trang trí nội thất
Cũng giống như những cây cảnh khác, cây vạn lộc thường được sử dụng để trang trí tại các cửa hàng, khách sạn, quán cafe, văn phòng làm việc hoặc trong không gian gia đình. Cây có thể trồng trong đất hoặc trồng thủy sinh trong nước, do đó rất tiện lợi cho nhu cầu của từng người.
Thanh lọc không khí
Một lợi ích khác của cây vạn lộc đó chính lọc sạch không khí khỏi khói bụi, hấp thụ những chất hữu cơ dễ bay hơi.
Ý nghĩa phong thủy
Chỉ cần nghe tên gọi của loại cây này chúng ta đã cảm thấy tài lộc và may mắn rồi đúng không ạ? Vạn lộc hay nhiều người còn đặc biệt gọi là phú quý, có ý mang đến tiền tài công danh, sự nghiệp phát triển. Đặt một chậu cây vạn lộc trong nhà sẽ mang đến cho gia chủ nhiều vận may, gia đình yên vui. Nếu đặt tại văn phòng, nơi làm việc sẽ gặp nhiều thuận lợi trong công việc, gặp nhiều cơ hội tiến chức thăng quan.
Món quà ý nghĩa
Bởi dáng cây thanh cao, lá cây màu sắc độc đáo, với nhiều điều tốt đẹp gửi gắm, thế nên vạn lộc được lựa chọn là món quà ý nghĩa dành cho bạn bè, người thân trong những dịp sinh nhật, khai trương… đặc biệt những ai vừa nhận được công việc mới. Cây vạn lộc sẽ là món quà không chỉ mang đến giá trị thẩm mỹ cho không gian, mà còn mang tới giá trị tinh thần sâu sắc cho người nhận.
Cây Vạn Lộc Phù Hợp Với Tuổi Mệnh Nào?
Với màu sắc lạ mắt, đa dạng của lá, cây vạn lộc phù hợp dành cho những người mệnh kim, thổ, hỏa.. đối với những mệnh thủy thì không nên trồng loại cây này, hoặc nếu trồng thì bắt buộc phải trồng trong môi trường nước. Như vậy mới phù hợp với ngũ hành tương sinh tương khắc.
Vị Trí Đặt Cây Vạn Lộc
Vạn lộc là cây ưa bóng, do đó cây có thể để trong phòng kín một thời gian dài. Lá cây nhạy cảm với ánh sáng mạnh, mặc dù lá chứa nhiều sắc tố nên cần ánh sáng để quang hợp, song nếu để cây dưới ánh nắng mặt trời quá gay gắt, lá cây có thể bị cháy, cây kém phát triển. Do vậy, bạn nên đặt cây có ánh sáng vừa phải, có thể đón ánh sáng vào buổi sáng sớm. Không đặt cây sau cửa kính để tránh sự hấp nhiệt sẽ làm cây héo úa. Cây vạn lộc có kích thước vừa phải nên dễ dàng bạn có thể đặt tại kệ bàn của phòng khách, phòng làm việc hoặc tại sảnh, bàn lễ tân.
Vậy Cây Vạn Lộc Có Độc Hay Không?
Cây vạn lộc thuộc nhóm cây vạn niên thanh, do đó trong lá có chứa chất canxi oxalate, đây là một chất độc gây ra triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, bỏng rát ở miệng khi ăn phải lá này. Chính vì thế, nếu trong gia đình có trẻ nhỏ hoặc vật nuôi thì bạn nên để cây ở những nơi cao không thể với tới, tránh sự tò mò hiếu kỳ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chăm Sóc Cây Vạn Lộc Có Khó Không?
Là một loại cây cảnh thích nghi cao với nhiều môi trường, cây vạn lộc không yêu cầu tỉ mỉ về sự chăm sóc, chỉ cần một chút lưu ý nhỏ, bạn có thể dễ dàng có được một chậu cây tuyệt vời rồi!
- Ánh sáng
Một yếu tố vô cùng quan trọng với cây xanh đấy chính là ánh sáng. Cũng như oxy chúng ta vẫn phải cần để duy trì sự sống vậy, cây cũng cần ánh sáng để quang hợp. Đặc biệt đối với cây lá màu như vạn lộc ánh sáng càng quan trọng hơn để tạo nên các sắc tố cho lá.
Do vậy bạn nên cho cây tắm nắng từ 1-2h mỗi ngày. Trong điều kiện không thể cho cây ra ngoài, bạn có thể sử dụng những loại bóng đèn có ánh sáng ban ngày (day-light), loại ánh sáng này giống với ánh sáng mặt trời có thể giúp cây quang hợp. Cây thích hợp phát triển trong điều kiện môi trường có độ ẩm từ 50-70% và độ chiếu sáng tối đa là 40%. Bạn cần lưu ý đặc điểm này để đặt cây ở vị trí phù hợp.
- Nước
Cây vạn lộc có nhu cầu nước trung bình. Bạn cần tưới nước đều đặn mỗi ngày một lần, chỉ tưới thấm đất, không tưới ngập để tránh bị úng rễ. Một lưu ý khi bạn trồng cây trong chậu bằng đất đó là đất trồng phải giàu dinh dưỡng đồng thời phải dễ thoát nước, bạn có thể đặt một đá hoặc sỏi ở phía dưới chậu để giúp cây dễ thoát nước hơn đấy. Với những bạn yêu thích trồng vạn lộc trong nước thì cần đều đặn 5-7 ngày phải thay nước cho cây, bổ sung dinh dưỡng ở dạng lỏng. Lưu ý, nước để trồng cây phải là nước sạch, nếu là nước máy cần để qua đêm để bay hết hơi clo rồi mới sử dụng. Khi thay nước bạn cần xả nhẹ nhàng bộ rễ của cây để loại bỏ những tạp chất bẩn trên rễ.
- Sâu bệnh
Nếu trên cây vạn lộc xuất hiện những đốm vàng, cây héo, điều này có nghĩa cây bị nắng chiếu với cường độ mạnh, bạn cần lưu ý để đưa cây vào chỗ râm mát hơn. Khi trồng trong môi trường nước, cây hay bị thối rễ do không được thay nước. Trường hợp này bạn cần cắt bỏ những phần rễ bị thối hỏng, rửa sạch bình và thay nước mới cho cây.
Ngoài ra, trên cây thường gặp bệnh thối cây do nấm và vi khuẩn gây ra. Biểu hiện của bệnh là thân cây dần chuyển sang màu đen và bị thối rữa dần. Khi có biểu hiện bạn cần đến các cửa hàng nông nghiệp hoặc chăm sóc cây cảnh để được tư vấn lựa chọn loại thuốc tốt nhất. Bên cạnh đó, một số loại bọ rệp, cào cào hay bệnh phấn trắng cũng thường xuyên làm hại đến cây.
Trường hợp này bạn có thể bắt thủ công, hoặc dùng khăn sạch thấm vào cồn rồi lau lên phần lá đang bị bệnh hoặc bị rệp cắn. Ngoài ra bạn cần thường xuyên cắt tỉa những lá vàng, nhổ bỏ cỏ dại trong chậu cây và thay nước trong bình để hạn chế sâu bệnh.
Trên đây mình đã giới thiệu đến các bạn cây vạn lộc, chúc bạn sẽ có những chậu cây xinh tươi cho không gian nhà mình nhé!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.